Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục

Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngôi nhà thứ hai.
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
 

Chỉ số Nhà ở Quốc tế của Knight Frank (PIRI), theo dõi giá trị của 100 ngôi nhà đắt nhất thế giới, đã tăng 8,4% vào năm 2021 so với mức dưới 2% vào năm 2020. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ khi chỉ số này được đưa ra vào năm 2008.

“Trong số 100 thị trường nhà ở hạng sang được theo dõi, chỉ có 7 thị trường chứng kiến ​​giá giảm vào năm 2021. Trong khi đó, 35% thị trường chứng kiến ​​giá tăng từ 10% trở lên”, Báo cáo Thịnh vượng được công bố hôm 01/03 của công ty tư vấn bất động sản này cho biết.

Ban đầu, việc tăng giá được thúc đẩy bởi nhu cầu về ngôi nhà thứ hai. Hiện có hơn 200.000 ngôi nhà thứ hai trên khắp thế giới thuộc về những người giàu có. Nhưng điều này đang thay đổi.

“Người giàu sử dụng ngôi nhà thứ hai nhiều hơn vào năm 2021 do có thể làm việc từ xa và muốn tìm nơi thư giãn trong một vài tuần”, báo cáo cho biết.

Những ngôi nhà thứ hai đã trở thành những ngôi nhà đầu tiên khi xu hướng làm việc kiểu “du mục kỹ thuật số” lan ra toàn cầu. Chúng cũng được nâng cấp khi chủ sở hữu muốn có thêm không gian trong đại dịch.

Điều này khiến giá của những ngôi nhà thứ hai tại các thị trấn và thành phố nổi tiếng trên toàn cầu trở nên đắt đỏ hơn.

Knight Frank dự báo các thị trường bất động sản cao cấp tại Dubai, Miami và Zurich sẽ dẫn đầu mức tăng giá vào năm 2022 trên toàn cầu, với khoảng 10% - 12% vào thời điểm cuối năm.

Dubai, UAE

Giá bất động sản cao cấp ở Dubai đã tăng 44,4% trong năm 2021, mức tăng lớn nhất so với các thành phố khác. Đặc biệt, nhu cầu đối với các bất động sản trị giá hơn 10 triệu USD, thường chỉ chiếm 2% toàn thị trường, đã tăng gần 4 lần lên mức 7%.

Kate Everett-Allen, trưởng bộ phận nghiên cứu nhà ở quốc tế tại Knight Frank, cho biết: “Việc chính quyền UAE xử lý đại dịch, độ phủ vắc-xin cao, cung cấp các căn hộ cao cấp theo kiểu chìa khóa trao tay, các sáng kiến ​​thị thực mới và quá trình cải cách kinh tế đã nâng cao vị thế của Dubai trong mắt khách hàng quốc tế”.

Vào cuối năm ngoái, Dubai đã chuyển tuần làm việc từ Chủ Nhật-Thứ Năm sang Thứ Hai-Thứ Sáu. Điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi bất động sản cao cấp, khiến thị trường Dubai trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với những nơi khác.

Nhiều gia đình từ Ấn Độ và châu Âu cho biết họ muốn chuyển đến Dubai, trong đó có cả một tỷ phú tiền ảo người Hà Lan và một tỷ phú thương mại điện tử Ấn Độ. Mặc dù Dubai không mới mẻ với họ, nhưng họ đang muốn sống tại thành phố này toàn thời gian, mang theo gia đình và cả công việc kinh doanh. Một số chuyên gia nhận định thị trường bất động sản cao cấp tại Dubai đang sôi động hơn bao giờ hết kể từ năm 2013, khi hàng loạt doanh nghiệp mới và công ty khởi nghiệp được thành lập.

Palm Jumeirah, dãy đảo nhân tạo khổng lồ hình cây cọ, là địa điểm phổ biến nhất đối với khách hàng giàu có. Họ chỉ săn đón những bất động sản đã sẵn sàng để dọn vào ở, dù đôi khi phải trả mức phí chênh lệch lên đến 10%, 15%, thậm chí là 20%, nhất là trong bối cảnh nguồn cung đang khan hiếm.

Moscow, Nga

thị trường bất động sản cao cấp tại Moscow tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới vào năm 2021, với giá cả tăng tới 42,4%. Tuy nhiên, mức tăng này xuất phát từ các lần giảm giá trước đó. Theo Knight Frank, từ năm 2017 đến năm 2019, giá đã giảm khoảng 21%.

Dù vậy theo Forbes, Moscow là thành phố nhiều tỷ phú thứ 4 trên thế giới và họ cũng muốn có những ngôi nhà rộng rãi hơn khi đại dịch hoành hành khắp nước Nga vào năm 2021.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường này. Tài sản của các tỷ phú Nga đã giảm 126 tỷ USD chỉ trong vài ngày sau khi bắt đầu cuộc chiến, trong khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga vẫn chưa có hồi kết.

San Diego, Miami và The Hamptons, Mỹ

Mỹ đạt mức tăng trưởng cao nhất về số lượng cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cực cao (UHNWI) mới vào năm ngoái. Đến cuối năm 2021, có thêm khoảng 23.000 người tại Mỹ sở hữu 30 triệu USD so với đầu năm, tăng trưởng 13%.

Nhờ số lượng người giàu có tăng vọt, các thị trường bất động sản cao cấp bùng nổ trên khắp nước Mỹ. San Diego là thành phố xếp hạng nhất ở Hoa Kỳ và thứ ba trên toàn cầu về chỉ số PIRI của Knight Frank, với mức tăng giá là 28,3%. Nguồn cung tại đây đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, và khách hàng vẫn đang kéo đến từ mọi nơi như Los Angeles, Khu vực Vịnh San Francisco, thậm chí cả Seattle và Portland.

Sau San Diego, Miami và The Hamptons chứng kiến ​​mức tăng lớn thứ hai và thứ ba, lần lượt là 28,2% và 21,3%.